HỘI THẢO CHUYÊN MÔN THÁNG 8/2023 LẦN 4 - HỘI THẢO VỀ CÁC PHƯƠNG PHÁP, KĨ THUẬT DẠY HỌC TÍCH CỰC
Khép lại chuỗi hoạt động chuyên đề trong tháng 8 để giáo viên sẵn sàng bước vào năm học mới 2023 – 2024, sáng ngày 24/8/2023 Hội thảo chuyên môn với chủ đề “Phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực” của trường THCS Lê Quý Đôn đã được tổ chức một cách quy củ, nghiêm túc, chất lượng với sự tham gia của Ban giám hiệu, giáo viên nhà trường và đặc biệt là Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hương, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia HCM.
Sử dụng phương pháp, kĩ thuật tích cực trong dạy học là một chủ đề thảo luận được giáo viên trong trường hết sức quan tâm và mong đợi bởi việc sử dụng phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực để phát huy cao độ phẩm chất và năng lực của người học vốn là một yêu cầu trọng tâm của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018.
Mặc dù sử dụng phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực không còn xa lạ với giáo viên vì đây là nhiệm vụ chuyên môn đã được triển khai và thực hiện từ rất lâu rồi, nhưng sử dụng như thế nào để việc dạy học trở nên nhẹ nhàng và hoạt động dạy của giáo viên thực sự hiệu quả, thực sự phát huy được phẩm chất, năng lực của học sinh chứ không phải mang tính câu lệ, hình thức thì vẫn còn là một vấn đề trăn trở. Xuất phát từ thực tế đó, buổi Hội thảo của trường THCS Lê Quý Đôn không hướng đến việc giới thiệu lại các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực quen thuộc vốn đã được tập huấn kĩ càng và được sử dụng rộng rãi mà hướng đến những nội dung sát thực, có tính thực tế, giải quyết những vướng mắc, hạn chế, khó khăn khi sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực trong các tiết học. Đồng thời những giáo viên có kinh nghiệm cũng chia sẻ những phương pháp, kĩ thuật sáng tạo phù hợp, hiệu quả khi vận dụng trong công tác giảng dạy với đối tượng học sinh trường THCS Lê Quý Đôn như: Phương pháp dạy học theo nhóm năng lực học sinh (một phương pháp có thể phát huy được khả năng của từng học sinh trong lớp một cách hiệu quả, khắc phục được tình trạng “ bỏ sót” học sinh khi dạy học); Phương pháp “Trạm” ( phát huy năng lực hợp tác, giải quyết sáng tạo vấn đề cũng như sự tích cực chủ động, hứng thú học tập… của HS ); Thiết kế và đưa trò chơi vào trong dạy học ( Không chỉ tạo hứng thú, kích thích sự tự giác của HS mà còn tạo các nhóm tương tác hiệu quả, phát huy khả năng phản xạ nhanh, sáng tạo cũng như tư duy trừu tượng… để học sinh ấn tượng và khắc sâu nội dung bài học)
Điểm nhấn trong cuộc Hội thảo là sự xuất hiện của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hương, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia HCM, một người đã có những nghiên cứu chuyên sâu về phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực và dành rất nhiều tâm huyết, cống hiến của mình cho ngành giáo dục. Chia sẻ của Tiến sĩ được thể hiện dưới hình thức trao đổi, đối thoại, gợi dẫn và cùng tìm ra đáp án, đích đến của vấn đề một cách nhẹ nhàng không chỉ mang đến cho các thầy cô giáo những kiến thức quý báu về chủ đề đối thoại mà còn là những bài học hữu ích khi dạy học theo quan điểm lấy người học làm trung tâm. Qua cuộc nói chuyện các thầy cô đã thực sự tìm được đáp án cho những câu hỏi quan trọng và cũng là nỗi trăn trở lớn lao của người thầy đó là: Làm thế nào để có giờ giảng hấp dẫn cho học sinh thích học? Làm thế nào để học sinh tham gia vào hoạt động nhóm có hiệu quả, thu hút được sự chú ý của học sinh?
Có thể nói với chủ đề tuy không mới nhưng cách làm đầy sáng tạo, chạm đến những nút thắt thật sự trong công tác giảng dạy và đặc biệt là “ luồng gió mới” từ Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hương đã mang đến một cuộc Hội thảo thành công và vô cùng giá trị, ý nghĩa đối với tất cả các thầy cô giáo khi bước vào năm học mới 2023 – 2024 không chỉ trong công tác giảng dạy mà còn trong cả tâm thế, tư duy, ý thức trách nhiệm và phẩm chất của người thầy.
Sau đây là một số hình ảnh của buổi Hội thảo: